Xử lý tài liệu thông minh (Intelligent Document Processing – IDP) là công cụ hữu ích cho phép việc xử lý dữ liệu diễn ra chính xác, hiệu quả, giúp giải quyết bài toán chi phí và hiệu suất vận hành trong doanh nghiệp. Vậy có thể ứng dụng IDP trong những lĩnh vực nào để đạt được lợi ích tối đa? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Tiềm năng của IDP
IDP là công cụ tự động thu thập, trích xuất dữ liệu từ các tài liệu bán cấu trúc (semi-structured data) và phi cấu trúc (unstructured data) và chuyển chúng thành tài liệu có cấu trúc (structured data) để sử dụng.
IDP tận dụng sức mạnh của công nghệ Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) bao gồm Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing – NLP), Thị giác máy tính (Computer Vision), Học máy (Machine Learning – ML) và Nhận dạng ký tự quang học (Optical Character Recognition – OCR) nhằm phân loại, phân tích, trích xuất dữ liệu liên quan và đánh giá dữ liệu để tối ưu độ chính xác.
IDP nâng mức độ xử lý dữ liệu lên một tầm cao mới. Nguồn: emagia.com
Dữ liệu đóng vai trò then chốt trong mỗi doanh nghiệp. Khối dữ liệu đồ sộ này không chỉ bao gồm dữ liệu có cấu trúc mà chúng còn được mã hóa ở định dạng phi cấu trúc hoặc bán cấu trúc, đòi hỏi nhu cầu xử lý vô cùng lớn. So với công cụ OCR truyền thống, IDP là bước cải tiến với độ tinh vi và trưởng thành cao, phát triển khả năng xử lý dữ liệu với tốc độ tối đa, giúp các doanh nghiệp giải quyết bài toán dữ liệu phức tạp.
Để tìm hiểu thêm về cách thức hoạt động của IDP và những lợi ích nổi trội của IDP, vui lòng đọc thêm tại đây.
Top 4 lĩnh vực ứng dụng IDP phổ biến
IDP có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, tuy nhiên một số lĩnh vực có thể khai thác tối đa lợi ích của IDP nhằm xử lý và quản lý khối lượng dữ liệu lớn một cách chính xác, hiệu quả.
Các doanh nghiệp tận dụng sức mạnh của IDP và Trí tuệ nhân tạo để làm chủ dữ liệu. Nguồn: wikimedia.org
Tài chính – Ngân hàng
Ngành tài chính – ngân hàng là lĩnh vực yêu cầu khối lượng lớn giấy tờ thủ công, từ tài liệu khách hàng, thông tin đầu vào, rút tiền, chuyển tiền, cho vay, cho đến mở tài khoản và đăng ký khoản vay. Giải pháp IDP có thể giúp doanh nghiệp:
- Tạo hồ sơ khách hàng, trích xuất và xử lý dữ liệu thông tin khách hàng, đánh giá thông tin và gửi thông tin cho bộ phận có thẩm quyền để giám sát khoản vay hiệu quả.
- Cho phép khởi tạo khoản vay và thế chấp, mở và đóng tài khoản, xử lý séc,…một cách dễ dàng.
- Đối chiếu, xác nhận bảng sao kê tài khoản, sổ tiền mặt bằng IDP, kết hợp công nghệ AI và các thuật toán để phát hiện gian lận tiềm ẩn và kịp thời xử lý.
Logistics
Logistics là một lĩnh vực rất phức tạp, bao gồm rất nhiều quy trình giấy tờ thủ công như hóa đơn, danh sách hàng tồn kho, hóa đơn nhiên liệu, chứng từ bảo hiểm,…Vì thế, ứng dụng tự động hóa quy trình xử lý giấy tờ có thể giúp các doanh nghiệp đạt được hiệu quả tối đa trong quá trình vận hành. Các ứng dụng cụ thể của IDP như:
- Tự động hóa việc xử lý, phân tích và trích xuất khối lượng lớn tài liệu vận chuyển, rút ngắn thời gian vận hành.
- Tự động trích xuất chứng từ hải quan và phân bổ dữ liệu đó đến từng khách hàng cụ thể.
- Trích xuất dữ liệu từ bộ dữ liệu bán hàng, đối chiếu với dữ liệu hồ sơ đơn hàng và cho phép tích hợp dữ liệu này lên cơ sở nội bộ.
- Tự động trích xuất dữ liệu từ hóa đơn và lưu dưới dạng trang tính Excel hoặc tải lên cơ sở dữ liệu chung để đưa ra các dự báo hoặc kế hoạch kinh doanh phù hợp.
IDP mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp Logistics. Nguồn: nexocode.com
Sản xuất
Lĩnh vực sản xuất thường gặp rất nhiều vấn đề trong quá trình quản lý đơn hàng, xử lý hóa đơn thủ công dẫn đến việc tiêu tốn chi phí mà hiệu quả thấp. Nhờ ứng dụng IDP mà quy trình sản xuất được cải thiện, tăng tối đa hiệu suất vận hành và tiết kiệm chi phí.
- Tự động trích xuất hóa đơn, sắp xếp thành các tài liệu số hóa và chuyển đến bộ phận liên quan để xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối hợp giữa các phòng ban.
- Tự động thu thập dữ liệu từ các đơn đặt hàng theo nhiều định dạng – fax, email, sau đó tích hợp dữ liệu này vào hệ thống Hoạch định tài nguyên doanh nghiệp (Enterprise Resource Planning – ERP) theo các quy tắc được đặt ra bởi quản trị viên.
Chính phủ
Các cơ quan chính phủ thường xuyên phải xử lý khối lượng giấy tờ khổng lồ như đơn xin việc, biểu mẫu thuế, tài liệu an sinh xã hội,…Tuy nhiên, các giấy tờ này liên quan không chỉ đến bộ máy nhà nước mà còn nhân dân, đòi hỏi sự chính xác tối đa và không có sự sai sót trong quá trình thực hiện. Vì thế, IDP đóng vai trò như một trợ thủ đắc lực để giải quyết các nhu cầu cấp bách của Chính phủ nhờ một số ứng dụng nổi bật như:
- Tự động trích xuất, phân tích và xử lý các tài liệu chứng từ, văn thư, khiếu nại, hồ sơ tòa án, văn bản pháp lý,…và chuyển cho các cấp liên quan để tiếp tục rà soát, đánh giá hoặc phê duyệt.
- Trích xuất thông tin cần thiết từ kết quả báo cáo thường niên hoặc khảo sát trưng cầu ý dân nhằm phục vụ cho mục đích tạo báo cáo tổng hợp và lưu trữ trong cơ sở dữ liệu chung.
Theo báo cáo từ Market Research Engine, thị trường IDP toàn cầu dự kiến sẽ chạm mốc 3,7 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng hàng năm tổng hợp (CAGR) là 35,2% trong giai đoạn này. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của IDP này trong tương lai, thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ này trong vận hành sản xuất để nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh trên thị trường. Không chỉ lĩnh vực tài chính – ngân hàng, logistics, sản xuất hay các cơ quan chính phủ mới triển khai IDP, mà giải pháp IDP có thể được ứng dụng hiệu quả ở rất nhiều quy trình, tác vụ cũng như lĩnh vực ngành nghề khác nhau.
Tham khảo
Intelligent Document Processing Market Size, Share, Analysis Report
Top Use Cases of Intelligent Document Processing
akaBot (FPT) là giải pháp tối ưu vận hành doanh nghiệp dựa trên nền tảng RPA (tự động hoá quy trình bằng robot phần mềm) kết hợp với các công nghệ khác như Process Mining, OCR, Intelligent Document Processing, Machine Learning, Conversational AI… Phục vụ khách hàng tại trên 20 quốc gia, 8 ngành dọc (tài chính – ngân hàng, bán lẻ, IT, sản xuất, logistics….), akaBot đã được xếp hạng bởi các tổ chức uy tín trên thế giới (Gartner Peer Insights, G2…), giành Giải “Oscar của giới công nghệ” Stevie Award, Top 6 nền tảng RPA thế giới do Software Reviews bình chọn, Giải thưởng The Asian Banker 2021…
Đặt lịch hẹn với akaBot để tìm hiểu giải pháp tối ưu vận hành doanh nghiệp ngay hôm nay!