[ Toàn Cảnh Ngân Hàng Số Năm 2021 ] #2 Nhìn Lại Cuộc Đua Chuyển Đổi Số Ngành Ngân Hàng Tại Việt Nam

Mức độ chuyển đổi số

Theo chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng nằm trong nhóm ưu tiên cần chuyển đổi số. Đây là lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hằng ngày đến người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí, làm đòn bẩy cho các lĩnh vực khác.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), gần 95% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 39% đơn vị đã duyệt kế hoạch hoặc tích hợp công nghệ ứng dụng vào định hướng phát triển kinh doanh. Đưa ra “Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, NHNN xác định mục tiêu đến năm 2025, 60% tổ chức tín dụng đạt doanh thu từ kênh số chiếm tỷ lệ trên 30%.

Các cấp độ chuyển đổi số

Theo Báo cáo “Ứng dụng Ngân hàng số tại Việt Nam: Khi lấy khách hàng làm cốt lõi” phát hành bởi Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank), chuyển đổi số của các ngân hàng thường chia theo 3 giai đoạn chính. 

Timeline  Description automatically generated with medium confidence
Ba giai đoạn chuyển đổi số ngành ngân hàng (Nguồn: MB Bank)

Ở giai đoạn số hoá (Digitization), các ngân hàng cải thiện hiệu suất hoặc tối ưu hoạt động bằng cách ứng dụng công nghệ vào quản trị dữ liệu, tài nguyên hoặc các quy trình vận hành. 

Ở giai đoạn 2 – Chuyển đổi kỹ thuật số (Digital Transformation), các ngân hàng bắt đầu thực hiện số hóa toàn bộ hoạt động ngân hàng, tích hợp và kết nối các quy trình số để tạo nên hành trình trải nghiệm khách hàng mang tính cá nhân. Không còn đơn giản là ứng dụng các công nghệ mới như AI, Blockchains và tự động hoá trong quy trình ở cấp độ vi mô, ngân hàng thay đổi toàn bộ mô hình, chiến lược và văn hoá kinh doanh – trên nền tảng sự đổi mới công nghệ. 

Ở giai đoạn 3 – Tái tạo số (Digital reinvention) – các ngân hàng kết hợp công nghệ và nền tảng kỹ thuật số chưa từng có trước đây để tạo ra doanh thu, kết quả thông qua các chiến lược sản phẩm cùng trải nghiệm sáng tạo. 

Hiện nay, các ngân hàng Việt Nam chủ yếu góp mặt ở hai chặng đua đầu – giai đoạn 1 và 2 của mô hình các cấp độ chuyển đổi. Hợp tác với các đối tác công nghệ như Fintech, Bigtech là cách thức các ngân hàng đang lựa chọn để số hóa các sản phẩm, dịch vụ và tạo ra những trải nghiệm mới mẻ, tiện ích cho khách hàng.

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa: “Trong khi các ngân hàng lớn trên thế giới đang nghiên cứu những phần mềm nhìn vào mắt khách hàng để đọc được suy nghĩ của đối tác thì chúng ta vẫn mới đang loay hoay ở đích xuất phát cuộc đua chuyển đổi số”.

Vẫn còn rất nhiều dư địa trên hành trình chuyển đổi số để các ngân hàng tiếp tục tăng tốc và nắm lấy lợi thế cạnh tranh nhờ công nghệ.

Một cuộc đua marathon đòi hỏi sức bền và chiến lược

Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu tiếp tục được đẩy nhanh cùng với sự nổi lên của các đối thủ mới – những công ty Công nghệ Tài chính (Fintech) đã tạo nên một sức ép rất lớn cho các đơn vị ngân hàng. Nhu cầu tiếp cận dịch vụ tài chính một cách dễ dàng, nhanh chóng của khách hàng, trong khi vẫn duy trì mức chi phí cạnh tranh buộc các ngân hàng phải xúc tiến ứng dụng công nghệ, liên tục nâng cao trải nghiệm người dùng.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Thời gian tới, NHNN sẽ tập trung thực hiện chuyển đổi nhận thức, chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho hoạt động chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi quá trình chuyển đổi số.

Theo Brett King – Chuyên gia Công nghệ hàng đầu thế giới, ngân hàng số hay Ngân hàng 4.0 sẽ xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày của khách hàng và hỗ trợ theo thời gian thực thông qua công nghệ như: AI, Big Data, IoT, Blockchain, API,… Không chỉ là một xu thế hứa hẹn nhiều cơ hội đắt giá của ngành ngân hàng, chuyển đổi số hiện nay đã trở thành một cuộc chạy đua marathon mà mọi ngân hàng đều cần tham gia và tùy chỉnh chiến lược phù hợp nhất. 

Trải nghiệm khách hàng là trọng tâm

Báo cáo “Retail Banking 2020” của hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) chỉ ra, 40% khách hàng rời ngân hàng sau một trải nghiệm tồi tệ; và ngược lại, nâng tầm trải nghiệm khách hàng sẽ giúp ngân hàng giành được lợi thế cạnh tranh lớn trên “đường đua” chuyển đổi số. 

Bởi vậy, hàng loạt ngân hàng tập trung đẩy mạnh các tiện ích số nhằm “giữ chân” khách hàng và thu hút các khách hàng mới. Ứng dụng công nghệ tự động hóa bằng robot (RPA) cùng hệ sinh thái các công nghệ hỗ trợ, TPBank đã triển khai thành công mô hình ngân hàng LiveBank hoàn toàn tự động giúp khách hàng chỉ mất 3s để nhận diện và chỉ 30s để xử lý một giao dịch. Techcombank chú trọng phát triển trải nghiệm khách hàng trên ngân hàng trực tuyến (E Banking), giảm thiểu thời gian và chi phí giao dịch cho khách hàng… 

Theo ông Vũ Thành Trung – Thành viên Ban điều hành, Giám đốc Khối Ngân hàng số của MBBank, việc đầu tư cho công nghệ để cải tiến quy trình, sản phẩm – dịch vụ thực chất là tận dụng sức mạnh của công nghệ để cải thiện sự hài lòng của khách hàng, mang đến hành trình trải nghiệm thuận tiện nhất. Vì vậy, công tác chuyển đổi số của các ngân hàng luôn cần lấy khách hàng làm trung tâm, đồng nghĩa với việc ngân hàng cần chuyển trọng tâm từ sản phẩm sang khách hàng; đổi mới sản phẩm dựa trên phân tích dữ liệu khách hàng, từ đó cung cấp các giải pháp số đáp ứng được nhu cầu thực tế và đón đầu các xu hướng tiêu dùng mới.

Chuyển đổi văn hoá doanh nghiệp trong chuyển đổi số ngành ngân hàng

Theo đánh giá của Chuyên gia Phạm Anh Tuấn – Phó Viện Trưởng Viện Sáng tạo & Chuyển đổi số VIDTI, văn hoá doanh nghiệp không chỉ đóng vai trò nền tảng mà cần được xác định là trụ cột quan trọng trong dự án chuyển đổi số tổng thể của ngân hàng. Theo một khảo sát của Tập đoàn Everest với 328 lãnh đạo điều hành các doanh nghiệp có doanh số 1 tỷ đô la trở lên, 44% số người được hỏi cho rằng văn hóa là lực cản với tiến trình chuyển đổi số trong tổ chức của họ. 

Ông Võ Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc kiêm giám đốc chuyển đổi số của PwC Việt Nam cho biết, thông thường, khi nói tới chuyển đổi số ngân hàng sẽ bắt đầu từ khách hàng, định vị lại phân khúc khách hàng, xem xét lại cách tiếp cận khách hàng thông qua các phương pháp thu hút khách hàng khác nhau, sự trải nghiệm của khách hàng sẽ là tiêu chí để đặt lên so sánh và đánh giá sự thúc đẩy chuyển đổi số thành công. Để có được sự trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, thì hoạt động phía sau (back-end) của các ngân hàng cũng buộc phải có thay đổi tương ứng.

“Khách hàng sẽ chỉ cảm thấy thoải mái với dịch vụ mang lại khi người phục vụ cũng có cảm giác như vậy. Trải nghiệm của khách hàng và trải nghiệm của nhân viên ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số là quan trọng như nhau, để sự thay đổi không chỉ diễn ra ở trên bề mặt mà còn là sâu bên trong quy trình hoạt động của ngân hàng”, ông Long nhìn nhận.

Cụ thể, chia sẻ về việc tối ưu trải nghiệm nhân viên với tự động hóa, ông Bùi Đình Giáp – Nhà sáng lập & CEO akaBot (FPT Software) cũng cho biết: “Nhân lực số chính là chìa khóa tăng trải nghiệm nhân viên và tối ưu hóa chi phí cho toàn doanh nghiệp, giảm tải những tác vụ thủ công, từ đó, tạo điều kiện cho nhân sự nâng cao năng lực chuyên môn. Mục đích sau cùng của việc làm này là tối ưu hóa quy trình vận hành, mang đến bước đột phá về kết quả kinh doanh cho doanh nghiệp”. Tự động hóa trở thành một trong những công nghệ được quan tâm nhất trong tối ưu vận hành nhờ khả năng đảm nhận gánh nặng của các tác vụ đơn điệu, lặp đi lặp lại mà con người đang làm như thu thập, tổng hợp, sắp xếp dữ liệu, để con người có thể tập trung vào những khía cạnh quan trọng hơn và đòi hỏi sự sáng tạo hơn, ví dụ như phân tích dữ liệu, lập chiến lược cho các sáng kiến kinh doanh. 

Những ngân hàng nào đang dẫn đầu đường đua?

Hiện nay, đã có khá nhiều bảng xếp hạng về hoạt động chuyển đổi số ngân hàng đến từ các tổ chức trong và ngoài nước với những chênh lệch đáng kể. Xét theo báo cáo xếp hạng của Bộ Thông tin và Truyền thông về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin hàng năm (Vietnam ICT Index), chúng ta thấy có các thứ hạng khác nhau dựa trên nhiều khía cạnh trong công nghệ thông tin của ngân hàng sau đây.

Cụ thể, về xếp hạng hạ tầng kỹ thuật, những ngân hàng dẫn đầu đang là TPBank, NamABank, BIDV, Techcombank, MB, Vietcombank… Trong khi đó, xét về hạ tầng nhân lực (cán bộ chuyên trách CNTT, ATTT), 5 ngân hàng top đầu lần lượt là TPBank, Techcombank, NamABank, VietABank, MB.

Xếp hạng ứng dụng CNTT nội bộ (gồm Core banking, ứng dụng, thanh toán điện tử), BIDV, VIB, SCB, NamAbank, TPBank là những ngân hàng có thứ hạng cao nhất.

Đối với xếp hạng dịch vụ trực tuyến, BIDV đang có điểm số cao nhất, đứng top 1 trong hệ thống theo ICT Index. Tiếp theo lần lượt là VPBank, Vietcombank, VietinBank, Techcombank.

Trên thực tế, bảng xếp hạng của ICT Index có sự xáo trộn đáng kể giữa các năm do tốc độ nhanh chóng, khốc liệt của cuộc đua số hóa. Trong bối cảnh cuộc đua này vẫn đang diễn ra sôi nổi, nhiều ngân hàng vẫn đang tích cực đầu tư ngân sách, nhân lực cho số hóa thì thời gian tới, cuộc cạnh tranh này sẽ còn nhiều điều bất ngờ.

Lời kết

Sức nóng của cuộc đua chuyển đổi số đến thời điểm cuối năm 2021 vẫn không có dấu hiệu suy giảm. Ngành ngân hàng đang chuyển đổi số bằng những cái bắt tay ngân hàng – tập đoàn công nghệ – doanh nghiệp Fintech, theo các chuyên gia. Đây là một mối quan hệ cộng sinh khó tách rời, hứa hẹn một chặng đua thần tốc hơn của chuyển đổi số ngành ngân hàng trong năm 2022. Quý doanh nghiệp đón đọc các phần tiếp theo của series [ Toàn Cảnh Ngân Hàng Số Năm 2021 ] tại akabot.com.

Tham khảo:

https://tuoitre.vn/chuyen-doi-so-cuoc-chay-dua-marathon-cua-nganh-ngan-hang-viet-nam-2021071511251382.htm

https://cafef.vn/chuyen-doi-van-hoa-doanh-nghiep-trong-chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang-2021080916565526.chn

https://cafef.vn/ngan-hang-nao-dang-dan-dau-trong-cuoc-dua-chuyen-doi-so-20210917100640885.chn

https://tuoitre.vn/chuyen-doi-so-cuoc-chay-dua-marathon-cua-nganh-ngan-hang-viet-nam-2021071511251382.htm

0 Share
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Subscribe to Our Newsletter
Donec euismod arcu vel neque volutpat, sed ullamcorper tortor blandit. Spendisse potenti lacus neque.