[ Toàn Cảnh Ngân Hàng Số Năm 2021 ] #1 10 Tiêu Điểm Ngành Ngân Hàng 2021

Bối cảnh

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên diện rộng, càn quét nhiều tỉnh thành kinh tế trọng điểm đã gây ra ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế và tác động nhất định đến ngành ngân hàng. 

Quý 3/2021, GDP Việt Nam chạm mức giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước – mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Đến đầu quý 4/2021, điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19”, Việt Nam từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, nền kinh tế dần mở cửa đón nhận nhiều dấu hiệu khởi sắc. Các ngành đầu tư công như xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, logistics, bán lẻ… được kỳ vọng phục hồi rất nhanh và hưởng lợi lớn.

Trong bối cảnh này, đảm bảo vai trò là huyết mạch thông suốt của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, ngành ngân hàng đã trải qua nhiều làn sóng thay đổi đáng chú ý trong năm. Cùng nhìn lại các điểm sáng trong ngành để có nhận định về ngành cuối năm 2021 và năm 2022.

Top 10 tiêu điểm

Cuộc đua tăng vốn

Năm 2021 là năm của những “cuộc đua” về tăng vốn giữa các ngân hàng và chưa có dấu hiệu giảm tốc trong năm 2022. Trong những tháng cuối cùng của năm 2021, cuộc đua tiếp tục nóng trở lại khi hàng loạt ngân hàng thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức nhằm tăng vốn điều lệ. Đây cũng là nhu cầu dễ hiểu khi hầu hết các ngân hàng có vốn chủ sở hữu mỏng lại gặp bối cảnh đại dịch COVID-19, phải đảm nhiệm chức năng hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi . Việc này cũng giúp các định chế tài chính nâng cao an toàn vốn, giảm thiểu rủi ro.

Vốn điều lệ của hệ thống các TCTD thời điểm hiện tại
Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp

Đến thời điểm này, BIDV đứng ở vị trí thứ ba, VietinBank và VPBank vươn lên dẫn đầu và thứ hai với vốn điều lệ lần lượt 48.058 tỷ và 44.455 tỷ. Tuy nhiên, sau khi trả cổ tức bằng cổ phiếu thành công vào ngày 24/1/2022, BIDV sẽ là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống với hơn 50.585 tỷ đồng, sau đó là VietinBank và Vietcombank. Ngoài ra, Vietcombank cũng sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ quy mô 6,5% vốn điều lệ, nâng vốn điều lệ lên hơn 50.000 tỷ đồng.

Cuộc đua dẫn đầu chuyển đổi số 

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), gần 95% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 39% đơn vị đã duyệt kế hoạch hoặc tích hợp công nghệ ứng dụng vào định hướng phát triển kinh doanh. Đưa ra “Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, NHNN xác định mục tiêu đến năm 2025, 60% tổ chức tín dụng đạt doanh thu từ kênh số chiếm tỷ lệ trên 30%.

Năm 2021, các ngân hàng thương mại đã tập trung nguồn lực cho ứng dụng số trên nhiều phương diện từ eKYC, open API, tự động hóa quy trình thủ tục đến cung cấp các dịch vụ online như cấp tín dụng, mở tài khoản, mua bán trái phiếu, phát hành L/C, chuyển tiền quốc tế…

Đặc biệt, chuyển đổi số trong ngành ngân hàng không chỉ đơn giản là ứng dụng các công nghệ mới như AI, Blockchains hay tự động hoá trong các quy trình đơn lẻ; đó sẽ là sự chuyển đổi toàn bộ mô hình, chiến lược và văn hoá kinh doanh của ngân hàng – trên nền tảng sự đổi mới công nghệ. 

Để đạt được điều này, các ngân hàng chuyển đổi số tiêu biểu bước đầu đã triển khai công nghệ, tối ưu vận hành toàn diện ở các quy trình và bám sát các giai đoạn chuyển đổi số.

Tài chính phi tín dụng tiếp tục tăng, ngân hàng chuyển dịch cơ cấu nguồn thu mạnh mẽ

Nhìn vào cơ cấu thu nhập của các ngân hàng, có thể nhận thấy rõ xu hướng đa dạng hoá các nguồn thu của các ngân hàng. Bên cạnh các khoản thu chính từ hoạt động cho vay như trước đây, các ngân hàng đang chuyển dịch sang tăng thu nhập ngoài lãi (non NII) bao gồm kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm, phát triển các hoạt động thanh toán, quản lý tài sản, mua bán chứng khoán, ngoại hối…), thể hiện qua tỷ lệ thu nhập lãi thuần/tổng thu nhập hoạt động (NII/TOI) của Vietcombank, VietinBank, Techcombank, VP Bank… có xu hướng giảm dần.

Nguồn: Tổng hợp từ Điều lệ hoạt động của các ngân hàng tại thời điểm 30/9/2021

Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2020

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,47% – gấp hai lần so với cùng kỳ tháng 6 năm ngoái. Mặc dù đại dịch gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều mặt đời sống kinh tế, lợi nhuận của ngành ngân hàng vẫn đạt mức tăng trưởng cao. Hơn chục ngân hàng vẫn báo cáo mức lợi nhuận nghìn tỷ với tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt.

Tổng thu nhập ngành trong quý I/2021 tăng 28,4% so với cùng kỳ, theo thống kê từ Fiingroup. Ngành ngân hàng đã bước vào giai đoạn tăng trưởng mới với các trợ lực như: lãi suất huy động thấp, lãi suất cho vay giảm chưa tương ứng. Ngoài ra, cơ hội huy động được lượng lớn trái phiếu kỳ hạn dài ở mức lãi suất thấp đã giúp nhiều ngân hàng cải thiện đáng kể biên lãi ròng.

Sự ra đời của chính sách mới hỗ trợ Ngân hàng – Doanh nghiệp

Việc ban hành nhiều chính sách mới cũng là một điểm sáng trong thời gian qua không chỉ đối với ngành ngân hàng trước áp lực giảm tải nợ xấu mà còn hỗ trợ doanh nghiệp đáng kể. Theo Vietnam Report, thông tư 03 ra đời về việc cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn lãi vay do ảnh hưởng dịch không khác “nắng hạn gặp mưa rào” đối với ngân hàng, là chính sách lưỡng toàn hỗ trợ cả tổ chức tín dụng và bên đi vay. Với Thông tư 03, các ngân hàng sẽ không phải trích lập mạnh các khoản nợ xấu trong năm nay mà sẽ gia hạn thêm trong 3 năm. Tùy thuộc vào  ảnh hưởng từ dư nợ cho vay, việc trích lập dự phòng cụ thể của các ngân hàng sẽ khác nhau. Nhiều ngân hàng ổn định dòng tiền đã chủ động trích lập dần theo quý để chuẩn bị nền tảng tốt, dự phòng rủi ro.

Tín dụng ngân hàng tăng tốc mạnh cho thấy sự hồi phục kinh tế

Triển khai diện rộng các gói vay với lãi suất tốt dành cho nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc nhóm các lĩnh vực ưu tiên, thương mại dịch vụ, ngành ngân hàng đang sát cánh cùng Nhà nước trong giai đoạn phục hồi nền kinh tế.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục ghi nhận mức tăng tương đối mạnh vào cuối tháng 11 với mức tín dụng đạt 10,18 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2020.

Tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam năm 2021
Nguồn: Bloomberg

Nợ xấu trong tầm kiểm soát nhưng luôn tiềm ẩn và có xu hướng gia tăng.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng vừa qua, 45.100 doanh nghiệp đã tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái), 32.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 17,4%), 12.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 5,9%). Trung bình mỗi tháng, có 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Thực trạng này tác động tiêu cực đến khả năng thanh toán nợ của khách hàng và khiến áp lực nợ xấu tiếp tục gia tăng tại các ngân hàng.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều khoản từ Thông tư 01/2020/TT-NHNN về việc mở rộng phạm vi và kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn lực và thời gian, tuy nhiên, những khoản nợ đó vẫn mang nhiều rủi ro đối với ngân hàng. Nợ xấu nội bảng hiện hữu khoảng 2% và nợ tiềm ẩn chuyển thành nợ xấu khoảng 8%, cao hơn 2,2% so với cuối năm trước.

Toàn cảnh nợ xấu ngân hàng - Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh  Thanh Hóa
Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng 6 tháng đầu năm 2021 (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)

Lãi suất cho vay thấp nhất 20 năm, tiết kiệm mất hấp dẫn

Sau khi giảm lãi suất điều hành trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng phải giảm lãi suất cho vay thực chất trong năm 2021. Thậm chí, theo NHNN, việc hạ lãi suất, hỗ trợ khách hàng được coi là một trong những tiêu chí để cân nhắc nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng năm cho ngân hàng. Vì vậy, mặt bằng lãi suất cho vay đã xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay đã xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm
Nguồn: VCBS

Còn nhiều rủi ro về an ninh mạng, thông tin dữ liệu chưa được bảo mật an toàn

Là một trụ cột của nền kinh tế, ngành ngân hàng luôn tiên phong trong ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin. Tuy nhiên, nhiều giao dịch và hoạt động tài chính được xử lý trực tuyến cũng dẫn đến tỷ lệ tội phạm an ninh mạng khá cao liên quan đến các ngân hàng.

Trong suốt đại dịch Covid-19, số lượng các hoạt động gian lận đã tăng lên đáng kể. Ngoài ra, ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro về đạo đức liên quan đến khách hàng và nhân viên ngân hàng. Trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại liên tục cảnh báo thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ: thu thập trái phép thông tin cá nhân, thông tin tài khoản của khách hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản.

Biến động nhân sự cấp cao tại các ngân hàng

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định bổ nhiệm hai tân Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là ông Phạm Tiến Dũng, nguyên Vụ trưởng Thanh toán và ông Phạm Thanh Hà, nguyên Vụ trưởng Chính sách tiền tệ.

Ông Hà sinh năm 1974 và ông Dũng sinh năm 1970, như vậy với sự bổ nhiệm này, ông Hà và ông Dũng trở thành 2 Phó Thống đốc trẻ nhất trong đội ngũ Phó Thống đốc hiện nay của Ngân hàng Nhà nước.

Cũng trong năm này, ngành ngân hàng chứng kiến hàng loạt ngân hàng thay tướng, đáng chú ý dàn lãnh đạo ngày càng trẻ hóa trong cơ cấu HĐQT của các ngân hàng. Đơn cử như bà Trần Thị Thu Hằng (sinh năm 1985) giữ chức Chủ tịch của Kienlongbank, ông Phương Thành Long (sinh năm 1983) giữ chức Chủ tịch HĐQT VietABank, bà Bùi Thị Thanh Hương (sinh năm 1980) được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT NCB. Cuối tháng 4/2021, HĐQT Vietbank đã bầu ông Dương Nhất Nguyên (sinh năm 1983) giữ chức chủ tịch nhiệm kỳ 2021-2025. 

Lời kết

Không thể phủ nhận rằng, năm 2021 là một năm nhiều thách thức đối với nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Tuy nhiên, với nhìn nhận tình hình đúng đắn và tâm thế sẵn sàng tối ưu để tăng trưởng, ngành ngân hàng đang đứng trước một viễn cảnh khả quan. Quý doanh nghiệp đón đọc các phần tiếp theo của series [ Toàn Cảnh Ngân Hàng Số Năm 2021 ] tại akabot.com

Tham khảo:

https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/tang-von-dieu-le-ngan-hang-nao-se-dan-dau-343278.html

https://danviet.vn/ngan-hang-nam-2021-nong-cuoc-dua-tang-von-lan-song-thay-tuong-tre-hoa-dan-lanh-dao-20211223070347618.htm

https://vietnamreport.net.vn/Trien-vong-nganh-ngan-hang-nam-2021-Kha-quan-nhung-khong-qua-tich-cuc-9936-1006.html

https://cand.com.vn/doanh-nghiep/nganh-ngan-hang–cuoc-dua-ve-phat-trien-tu-noi-luc-khong-danh-cho-hai-chu-huong-loi-i633506/

https://dautuvakinhdoanh.vn/nhung-diem-nhan-noi-bat-nganh-ngan-hang-trong-nam-2021-a9507.html

https://tuoitre.vn/nganh-ngan-hang-va-cuoc-dua-ve-phat-trien-tu-noi-luc-20211102151747522.htm

akaBot (FPT) là giải pháp tối ưu vận hành doanh nghiệp dựa trên nền tảng RPA (tự động hoá quy trình bằng robot phần mềm) kết hợp với các công nghệ khác như Process Mining, OCR, Intelligent Document Processing, Machine Learning, Conversational AI… Phục vụ khách hàng tại trên 20 quốc gia, 8 ngành dọc (tài chính – ngân hàng, bán lẻ, IT, sản xuất, logistics….), akaBot đã được xếp hạng bởi các tổ chức uy tín trên thế giới (Gartner Peer Insights, G2…), giành Giải “Oscar của giới công nghệ” Stevie Award, Top 6 nền tảng RPA thế giới do Software Reviews bình chọn, Giải thưởng The Asian Banker 2021…

Đặt lịch hẹn với akaBot để tìm hiểu giải pháp tối ưu vận hành doanh nghiệp ngay hôm nay!

0 Share
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Subscribe to Our Newsletter
Donec euismod arcu vel neque volutpat, sed ullamcorper tortor blandit. Spendisse potenti lacus neque.