BaaS Là Gì? Xu Hướng, Lợi Ích Và Ứng Dụng Trong Ngân Hàng Bán Lẻ

BaaS được coi là xu thế mới, đặc biệt trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp và ngân hàng bán lẻ tập trung đẩy mạnh việc xây dựng hệ sinh thái số, tích hợp với sản phẩm, dịch vụ của các bên đối tác để gia tăng tiện ích và trải nghiệm cho khách hàng. Vậy BaaS là gì và đem lại những giá trị gì cho mô hình ngân hàng bán lẻ? Cơ hội và thách thức của ngân hàng khi triển khai BaaS ở Việt Nam? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây!

Banking-as-a-Service là gì?

Banking-as-a-Service (BaaS) là một thành phần quan trọng của mô hình open banking (ngân hàng mở). Trong mô hình này, các ngân hàng được cấp phép (licensed bank) cho phép các dịch vụ ngân hàng cốt lõi tích hợp trực tiếp với sản phẩm của các doanh nghiệp phi ngân hàng thông qua Giao diện lập trình ứng dụng (Application Programming Interface – API). Nói cách khách, tổ chức phi ngân hàng hay fintech xây dựng các sản phẩm dựa trên cơ sở hạ tầng ngân hàng truyền thống. Điều này mở ra cánh cửa giúp doanh nghiệp dễ dàng phát triển các dịch vụ tài chính mới, cung cấp thêm tiện ích và xây dựng một hệ sinh thái toàn diện cho người dùng.

Tăng cường Open Banking API là một trong 6 Xu Hướng Công Nghệ Ngành Ngân Hàng Bán Lẻ 2022, cùng tìm hiểu ngay!

BaaS giúp ngân hàng giải quyết được bài toán đa dạng hóa dịch vụ tài chính. Nguồn: blog.withplum.com

Ví dụ, một hãng hàng không mong muốn cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến cho khách hàng và một thẻ thanh toán để khách hàng tích điểm thưởng mỗi lần giao dịch mua vé máy bay qua thẻ. Tuy nhiên để làm được điều này, hãng hàng không cần phải có giấy phép hoạt động ngân hàng hoặc các giấy phép liên quan đến việc cung cấp dịch vụ ngân hàng. Thông thường, thủ tục xin cấp phép vô cùng khó khăn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng. Do vậy, BaaS được coi là giải pháp để giải quyết vấn đề trên. Hãng hàng không có thể làm việc trực tiếp với ngân hàng cung cấp nền tảng BaaS để đổi lấy việc sử dụng sản phẩm của ngân hàng thông qua API, sau đó xây dựng hoặc phát triển sản phẩm mới phù hợp với mục tiêu và đối tượng khách hàng. 

Mô hình BaaS thường gồm 3 bên liên quan chính:

  • Ngân hàng: Ngân hàng được cấp phép đóng vai trò như nhà cung cấp BaaS mở cổng APIs cho phép các doanh nghiệp khác tích hợp dịch vụ tài chính của ngân hàng vào sản phẩm/dịch vụ của họ.
  • Nền tảng BaaS: BaaS cung cấp phần mềm đảm bảo thông tin liên lạc dữ liệu an toàn giữa ngân hàng truyền thống và một công ty fintech hoặc doanh nghiệp trong bất cứ lĩnh vực nào. 
  • Công ty fintech hoặc phi ngân hàng: Đây là những khách hàng thực sự của các nhà cung cấp BaaS. Thông thường, các doanh nghiệp fintech/phi fintech kết nối với nền tảng BaaS để xây dựng giải pháp dịch vụ tài chính mới cho khách hàng.

Những ứng dụng nổi bật của BaaS

Ngân hàng số

BaaS có thể giúp các công ty fintech/phi fintech cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến cho khách hàng của họ. Những sản phẩm ứng dụng công nghệ tân tiến và thân thiện với người dùng có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng như xử lý tài khoản với hiệu quả cao, chuyển đổi tài khoản theo ý muốn,…

Ngân hàng số là một trong những bước đầu tiên trong tiến trình chuyển đổi số ngân hàng. Đọc thêm về chuyển đổi số ngân hàng để bứt phá trong năm 2022 tại đây.

Sử dụng API, ngân hàng có thể tích hợp với hệ thống của doanh nghiệp để mang đến giải pháp tài chính mới cho khách hàng. Nguồn: sp-ao.shortpixel.ai

Một ví dụ là sự hợp tác giữa ngân hàng Hồi giáo Abu Dhabi (ADIB) và ngân hàng trực tuyến Fidor. Fidor đã thiết kế, thử nghiệm và xây dựng dự án ngân hàng số của khách hàng thành nền tảng ngân hàng số đa dịch vụ thông qua APIs, mang lại trải nghiệm liền mạch, dễ dàng cho người sử dụng Gen Y, đối tượng khách hàng của ngân hàng AIDB. 

Dịch vụ thẻ tín dụng và ghi nợ

BaaS cho phép các doanh nghiệp phi ngân hàng cung cấp thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ cho khách hàng của họ. Khách hàng có thể nhận được cập nhật nhanh chóng về tất cả các giao dịch thông qua một ứng dụng. Chi tiết tài khoản và khoản thanh toán cũng được hiển thị thân thiện với người dùng.

Ví dụ là Stash, một công ty fintech có trụ sở tại New York tham gia vào mô hình BaaS với ngân hàng Green Dot. Green Dot sử dụng API, cho phép tài khoản ngân hàng Stash được tích hợp vào ứng dụng Stash, cung cấp thẻ ghi nợ miễn phí thấu chi cho khách hàng cùng quyền truy cập vào mạng lưới máy ATM miễn phí trên khắp Hoa Kỳ.

Dịch vụ tiết kiệm và đầu tư

Các doanh nghiệp phi ngân hàng và fintech ứng dụng mô hình BaaS để ​​giúp khách hàng tiết kiệm và đầu tư tài sản. Bằng cách này, khoản đầu tư và tiết kiệm của khách hàng sẽ được tự động cân bằng và cá nhân hóa với chi phí thấp. 

Ví dụ, thông qua việc hợp tác với ngân hàng Starling có trụ sở tại Vương quốc Anh, Raisin UK, mô hình thương mại điện tử trực tuyến tại Anh đã nâng tầm dịch vụ tiết kiệm cho khách hàng. Theo đó, Raisin sẽ sử dụng APIs của Starling để tạo tài khoản Starling cho khách hàng, thu thập các khoản tiền gửi tiết kiệm của khách hàng và chuyển đến các ngân hàng đối tác, cho phép khách hàng lựa chọn thỏa thuận gửi tiết kiệm tốt nhất trên thị trường, phù hợp với nhu cầu của mỗi cá nhân.

Những lợi ích của BaaS

Đối với khách hàng

Việc cho phép các doanh nghiệp phi ngân hàng cung cấp dịch vụ ngân hàng cốt lõi sẽ thúc đẩy sự đổi mới, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận những sản phẩm thông minh, thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, với đối tượng khách hàng ngày càng hiểu biết và đam mê công nghệ, họ dần kỳ vọng nhiều hơn ở những sản phẩm mang tính cải tiến về công nghệ và số hóa. Do đó, ứng dụng mô hình BaaS cho phép doanh nghiệp cải tiến sản phẩm và đáp ứng kì vọng trải nghiệm vượt trội của khách hàng.

Đối với doanh nghiệp fintech và phi ngân hàng

Không cần giấy phép hoạt động ngân hàng, các tổ chức fintech và phi ngân hàng hoàn toàn có thể tiếp cận thông tin và cung cấp các giải pháp tài chính cho khách hàng thông qua mô hình BaaS. Theo đó, các doanh nghiệp này có thể tăng tốc vận hành, đẩy mạnh tốc độ tiếp cận thị trường và đổi mới sản phẩm mà không cần tiêu tốn chi phí hay nguồn lực để duy trì các hệ thống kế thừa. Kết quả đạt được là sự cạnh tranh và nâng cao vị thế trên thị trường.

Thêm vào đó, theo Accenture, 43% khách hàng tin tưởng ngân hàng là nơi quản lý hiệu quả các giao dịch và dữ liệu của họ. Vì vậy, các doanh nghiệp kết hợp cùng ngân hàng có thể tận dụng niềm tin và tăng cường sự hài lòng của khách hàng trên cơ sở sẵn có, đồng thời gia tăng lượng khách hàng tiềm năng.

Sự bắt tay giữa ngân hàng và doanh nghiệp đối tác mang lại lợi ích toàn diện cho cả hai bên. Nguồn: media.vneconomy.vn

Đối với ngân hàng

Bằng việc cho phép sử dụng API để chia sẻ dữ liệu và cung cấp dịch vụ, ngân hàn bán lẻ sẽ thu được khoản lợi nhuận khổng lồ, đặc biệt khi BaaS trở nên phổ biến. Thực tế cho thấy có đến 43% ngân hàng ưa chuộng hình thức tính phí trên mỗi giao dịch API.

Không chỉ mang lại doanh thu cho ngân hàng, BaaS còn giúp tiết kiệm chi phí đáng kể. Theo đó, ngân hàng không cần đầu tư nhiều nguồn lực cho phát triển công nghệ hay cơ sở hạ tầng công nghệ. Họ hoàn toàn tận dụng được nền tảng dịch vụ sẵn có và mở rộng sản phẩm với đối tác để tăng doanh thu và phát triển doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, sự hợp tác cùng các bên thứ ba cũng mang lại cho ngân hàng bán lẻ cơ hội nắm bắt và thấu hiểu nhu cầu khách hàng, ví dụ như thói quen thanh toán hay nhu cầu tài chính. Từ đó ngân hàng có thể cải tiến dịch vụ và tạo ra các sản phẩm mang tính cá nhân hóa cao, đề xuất các gói sản phẩm phù hợp với nhu cầu riêng biệt của từng khách hàng và tăng khả năng thu hút lượng khách hàng tiềm năng lớn.  

Cơ hội cho các ngân hàng bán lẻ phát triển mô hình BaaS

BaaS được coi là xu thế quan trọng trong năm 2021 bởi việc mở rộng mô hình này trên toàn bộ ngành dịch vụ tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tài chính/phi tài chính tạo ra giá trị và lợi ích thiết thực cho người sử dùng. Theo The World Retail Banking Report 2021 do Capgemini và Efma thực hiện, 2/3 tổ chức tài chính đang sử dụng nền tảng BaaS, và 25% đang phát triển các nền tảng này. Xu hướng này đã làm tăng đáng kể số lượng các ngân hàng bán lẻ hợp tác với fintech, tập đoàn công nghệ và các tổ chức phi ngân hàng khác để tăng quy mô, tạo ra sản phẩm/dịch vụ mới, giảm chi phí, tối ưu hóa dòng doanh thu và nắm bắt insight khách hàng.

Đọc thêm: 5 Bài Học Từ Năm 2021: Con Đường Dẫn Đến Thành Công Cho Ngân Hàng Bán Lẻ Việt Nam

66% ngân hàng đang ứng dụng BaaS, chứng tỏ sức ảnh hưởng của nền tảng này đối với ngành ngân hàng. Nguồn: thefinancialbrand.com

Xu hướng BaaS sẽ tiếp tiếp nở rộ trong năm 2022, đòi hỏi các ngân hàng bán lẻ thực hiện các bước tiến để thúc đẩy sự phát triển của BaaS. Một trong số đó là hướng tới “tài chính nhúng” (embedded finance), cho phép các công ty tài chính nhúng các dịch vụ lên nền tảng khác bằng API. Điều này sẽ tạo ra hệ sinh thái đa dạng, kết nối liền mạch với các dịch vụ khác nhau như truyền thông xã hội, bán lẻ, vận chuyển, khách sạn, đầu tư và tư vấn, tăng tiềm năng cung cấp giá trị cho nhiều phân khúc khách hàng.

Tại Việt Nam, với tiềm năng thị trường trẻ và quy mô lớn, BaaS sẽ có cơ hội tăng tốc, đặc biệt khi người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa chuộng những sản phẩm thanh toán thông minh, tích hợp các đa dạng các dịch vụ kỹ thuật số (bảo mật dữ liệu, bảo mật danh tính), mua sắm trực tuyến, đặt vé máy bay,…Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tốc độ tăng trưởng về lượng giao dịch qua ngân hàng di động tại Việt Nam là 200%; 77% quan tâm đến ngân hàng số và sẽ trải nghiệm hình thức này trong giao dịch tương lai (Khảo sát từ VISA về thái độ thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam).

Bên cạnh đó, nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng các công nghệ đổi mới, sáng tạo cho lĩnh vực tài chính – ngân hàng, ngân hàng Nhà nước đã ban hành nghị quyết số 2655/QĐ-NHNN nhằm mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành xây dựng cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng Chuẩn giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API). Đây là cơ sở tiêu chuẩn và là tiền đề cho sự phát triển xu hướng BaaS tại Việt Nam. Điều này cũng đồng nghĩa thị trường BaaS hiện vẫn còn nhiều không gian mở và cơ hội phát triển ở Việt Nam.

BaaS có nhiều tiềm năng phát triển trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng tại Việt Nam. Nguồn: encrypted-tbn0gsatic.com

Do đó, các ngân hàng bán lẻ cần nhanh chóng chủ động tích cực trong quá trình chuyển đổi sang hệ sinh thái mở, ứng dụng hiệu quả BaaS để tăng tốc quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, mang đến trải nghiệm vượt trội cho khách hàng trên mọi nền tảng. Khi có cơ hội cần có sự hỗ trợ của các đơn vị đáng tin cậy nhằm sẵn sàng lộ trình triển khai, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Dù có nhiều cơ hội song BaaS tại Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, nên có nhiều rủi ro và vấn đề về kỹ thuật, pháp lý cần phải hoàn thiện. Một trong những thách thức mà ngân hàng bán lẻ gặp phải khi triển khai BaaS là vấn đề an ninh và bảo mật. Các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình các bên đối tác truy cập vào dữ liệu mở của ngân hàng thông qua Open API, dữ liệu khách hàng bị sử dụng bất hợp pháp, hoặc vấn đề phát sinh khi khách hàng thực hiện giao dịch trên kênh kỹ thuật số mới. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải chuẩn bị kịch bản để ứng phó với rủi ro trong quá trình triển khai, đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ, đảm bảo tính bảo mật cũng như thúc đẩy cơ quan nhà nước đưa ra cơ chế pháp lý an toàn, thống nhất liên quan đến Open API và BaaS. 

Tìm hiểu thêm về chuyển đổi số ngành Tài chính – Ngân hàng, và tối ưu hóa vận hành Ngân hàng tại đây!

Tham khảo

How The Banking-As-A-Service Industry Works And Baas Market Outlook For 2022

Banking As A Service, Reshaping The Financial Services Landscape

What The Hell Is Banking As A Service? And What Is It Not?

Banking-As-A-Service: Một Làn Sóng Mới

Banking as a Service: Meaning, Examples, Benefits and Future

Top BaaS Companies in 2022: Platform providers & banks using BaaS technology

9 Retail Banking Reflections and Keys to Success for 2022

akaBot (FPT) là giải pháp tối ưu vận hành doanh nghiệp dựa trên nền tảng RPA (tự động hoá quy trình bằng robot phần mềm) kết hợp với các công nghệ khác như Process Mining, OCR, Intelligent Document Processing, Machine Learning, Conversational AI… Phục vụ khách hàng tại trên 20 quốc gia, 8 ngành dọc (tài chính – ngân hàng, bán lẻ, IT, sản xuất, logistics….), akaBot đã được xếp hạng bởi các tổ chức uy tín trên thế giới (Gartner Peer Insights, G2…), giành Giải “Oscar của giới công nghệ” Stevie Award, Top 6 nền tảng RPA thế giới do Software Reviews bình chọn, Giải thưởng The Asian Banker 2021…

Đặt lịch hẹn với akaBot để tìm hiểu giải pháp tối ưu vận hành doanh nghiệp ngay hôm nay!

0 Share
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Subscribe to Our Newsletter
Donec euismod arcu vel neque volutpat, sed ullamcorper tortor blandit. Spendisse potenti lacus neque.